QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


THỜI KỲ 1948 - 1954

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp vô vàn khó khăn. Những nhiệm vụ cấp bách về xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang, chống thù trong giặc ngoài, chống giặc đói, giặc dốt,v.v... đòi hỏi một nguồn ngân sách rất lớn. Ngân khố quốc gia lúc đó gần như trống rỗng. Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách, chế độ tài chính mới, đặt cơ sở cho một nền tài chính độc lập, tự chủ, lấy dân làm gốc như:

Sắc lệnh 4/SL tổ chức "Quỹ độc lập" (ngày 04/9/1945); Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân (ngày 07/9/1945); Nghị định giảm 20% thuế điền thổ cho cả nước và miễn hẳn thuế điền thổ cho các vùng mất mùa (ngày 28/10/1945); Năm 1948 và năm 1949 Chính phủ phát hành công phiếu kháng chiến. Năm 1950 phát hành công trái quốc gia, phát động các đợt vận động "Hũ gạo nuôi quân", "Mùa đông binh sĩ", v.v.. Đầu tháng 5/1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 36/SL lập "Quỹ tham gia kháng chiến", tháng 6/1949 ra Sắc lệnh 49/SL ban hành Bộ luật Thuế trực thu, trong đó, sửa đổi biểu thuế sát sinh, thuế thuốc lào, thuế thuốc lá,v.v...

Từ năm 1946, hệ thống ngân sách Nhà nước bắt đầu hình thành bao gồm: ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng, ngân sách hoả xa, ngân sách xã, ngân sách ba kỳ.

Đại Hội Đảng bộ lần thứ 2 của Tỉnh ủy Tây Ninh cuối năm 1948 tổ chức tại căn cứ Trà Vong đã đề ra chủ trương thành lập Bộ phận Tài chính - Thuế vụ tỉnh. Đây là mốc thời gian và tên gọi cho tổ chức tiền thân của Sở Tài chính Tây Ninh ngày nay. Bộ phận Tài chính - Thuế vụ tỉnh có nhiệm vụ vận động, tiếp nhận và quản lý lương thực, thực phẩm… để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Thành lập Ty Ngân khố để tiếp nhận Giấy Bạc Cụ Hồ và tiền do Trung ương và Nam bộ cấp, đồng thời được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ cho phép tỉnh in thêm Ngân phiếu (dùng như Giấy Bạc Cụ Hồ).

Trước tình hình kháng chiến đang trên đà thắng lợi, Đảng đã đề ra chính sách Thuế Nông nghiệp thực hiện chủ yếu tại các vùng giải phóng, vùng tranh chấp, đóng góp bằng lúa giấu lại tại ruộng sau khi thu hoạch. Ở những vùng tạm chiếm của địch, ta vận động đóng góp bằng lúa quy ra tiền. Thời gian đầu thực hiện chính sách Thuế Nông nghiệp đối với tỉnh Gia Định Ninh (bao gồm tỉnh Tây Ninh cùng 2 huyện Gò Vấp, Hóc Môn của tỉnh Gia Định và 2 huyện Đức Hòa Thành, Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn sáp nhập thành) đã thu được khá nhiều lương thực, nổi bật là xã Lộc Hưng (Trảng Bàng - Tây Ninh) có vùng giải phóng và vùng tranh chấp rộng lớn, số dân đông nên đã thu được gần 50.000 giạ lúa (tương đương 1.100 tấn). Đồng chí Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình) - Phó ban Thuế Nông nghiệp tỉnh Gia Định Ninh được Ủy Ban kháng chiến Hành chính Nam bộ tặng thưởng 01 khẩu súng ngắn về thành tích xây dựng phong trào vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp khá mạnh trong tỉnh.

Chính sách Thuế Nông nghiệp vừa là nghĩa vụ của công dân vừa mang tình cảm của quần chúng nhân dân, chứng tỏ kháng chiến đã lớn mạnh. Bên cạnh việc thực hiện chính sách Thuế Nông nghiệp, Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp đều có biện pháp tích cực sản xuất để tự túc lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh việc tiếp nhận và giao lưu hàng hóa, lương thực giữa các vùng.

Địa danh Rẫy Trảng Còng (Xã Phước Vinh - Châu Thành - Tây Ninh) đã đi vào lịch sử cùng bài hát "Lên ngàn" của Nhạc sỹ Hoàng Việt, tại nơi đây, lực lượng hậu cần kháng chiến đã tăng gia sản xuất tự túc gần 100 ha ruộng, rẫy.

THỜI KỲ 1954 - 1975

Chiến thắng Tua Hai đã mở màn cho phong trào Đồng khởi vũ trang đi vào lịch sử và trở thành cái mốc đánh dấu sự chuyển giai đoạn của phong trào cách mạng Miền Nam, mở ra phương thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tạo nên thế chiến lược "Hai chân, Ba mũi, Ba vùng". Phát huy khí thế của chiến thắng Tua Hai đồng khởi, nhân dân Tây Ninh đã nổi dậy đồng loạt tự giải phóng 2/3 số xã, ấp.

Sau phong trào Đồng khởi (tháng 01/1960) Trung ương cục Miền Nam được thành lập để thay thế Xứ ủy Nam Bộ, đại diện cho Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến tại miền Nam. Sau khi Mặt Trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời (tháng 12/1960), các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân giải phóng… và các ban, ngành cũng lần lượt được thành lập. Lực lượng vũ trang với 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích được tăng cường và lớn mạnh nhanh chóng. Ban Kinh tế Tài chính Trung ương (gọi tắt là Ban Kinh Tài) cũng chính thức được thành lập và tổ chức đến tỉnh, huyện để chăm lo ổn định đời sống, phục hồi và phát triển sản xuất tại vùng giải phóng, mặt trận còn phải tăng thêm nguồn thu để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu, chủ yếu là đảm bảo cung cấp cho cán bộ các cơ quan, đoàn thể và lực lượng vũ trang thoát ly chiến đấu.

Ban Kinh Tài tỉnh Tây Ninh được Tỉnh ủy chỉ đạo và phụ trách, Trưởng Ban Kinh Tài lần lượt gồm các đồng chí: thời kỳ đầu đồng chí Ngự (Chín Phước) - Phó Ban Kinh Tài "R" phụ trách, đồng chí Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải) - Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách từ năm 1965 đến năm 1967, đồng chí Phạm Công Khiêm (Ba Nông) phụ trách và hy sinh năm 1969, đồng chí Nguyễn Văn Thắng (Hai Thắng) lên thay đến năm 1975, sau đó đến đồng chí Nguyễn Phát (Hai Phát) làm Trưởng Ban. Suốt thời gian này, đồng chí Nguyễn Thi (Năm Thi) được phân công làm Phó Ban Kinh Tài tỉnh.

Một số ủy viên Ban Kinh tài tỉnh là đồng chí Sáu Bầu, Tư Xược, Năm Phấn, Sáu Phạt, Út Sỹ, Ba Thù, Ba Lượm, Mười Sơn, Năm Lan… Hệ thống Ban Kinh tài được tổ chức từ tỉnh đến huyện và các đội vũ trang thu thuế.

Để tăng cường sức mạnh cho Ban Kinh tài tỉnh, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức thành lập "Hội đồng cung cấp" để huy động dân công tham gia tải thương, tải đạn, lương thực… trên khắp các mặt trận. Hội đồng cung cấp được tổ chức từ tỉnh đến huyện, xã. Hội đồng cung cấp tỉnh Tây Ninh gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải) - Chủ tịch, đồng chí Võ Đức Trọng (Ba Trọng) - Phó Chủ tịch, đồng chí Lê Thông Suốt (Hai Bụng), đồng chí Nguyễn Văn Rây (Tám Ốm), đồng chí Nguyễn Phát (Hai Phát) là Ủy viên cùng các đồng chí Ba Công, Út Thái Lan, Chín Vinh, Chín Bình, Tư Chánh… 

Giai đoạn này cán bộ Ban Kinh Tài tỉnh cũng có những tổn thất về người, những đồng chí hy sinh gồm: Đồng chí Ba Nông cùng 2 đồng chí bảo vệ (đồng chí Hưng, đồng chí Đông) hy sinh năm 1969 tại Mội Nhỉ - Trà Vong - Tân Biên, đồng chí Nguyên, đồng chí Hương hy sinh năm 1971 tại rừng Tầm Lanh- Thạnh Đức- Gò Dầu, đồng chí Tài, đồng chí Khá (Đội vũ trang thu thuế) hy sinh năm 1973 tại Núi Bà Đen- Hòa Thành, đồng chí Tám Công Bằng hy sinh tháng 02 năm 1975 tại Bàu Cối - Tân Châu. Một số đồng chí bị bắt, tù đày, tra tấn như đồng chí Hai Bụng và nhiều đồng chí khác.

THỜI KỲ 1975 – ĐẾN NAY

Từ năm 1975 Ban Kinh Tài tỉnh do đồng chí Nguyễn Phát (Hai Phát) - Trưởng Ban, đồng chí Nguyễn Thi (Năm Thi) - Phó Ban cùng một số đồng chí khác. Sau ngày 30/4/1975, một số đồng chí được điều động phân công sang các ban, ngành khác của tỉnh. Về tổ chức, kể từ khi thành lập Ty Tài chính đến nay như sau:

Trưởng Ty Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính: Từ năm 1975 đến năm 1979, Trưởng Ty là đồng chí Nguyễn Phát (Hai Phát); từ năm 1979 đến năm 1987, Trưởng Ty là đồng chí Nguyễn Thi (Năm Thi); từ năm 1987 đến năm 1988 đồng chí Nguyễn Văn Rây (Tám Ốm) - Phó Giám đốc kiêm Quyền Giám đốc Sở Tài chính; từ năm 1988 đến năm 2001, Giám đốc Sở Tài chính là đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp (Ba Điệp); từ năm 2001 đến tháng 11/2010, Giám đốc Sở Tài chính là đồng chí Nguyễn Xuân Hồng (Út Hồng); từ tháng 12/2010 đến tháng 11/2015, Giám đốc Sở Tài chính là đồng chí Dương Văn Thắng; từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016, đồng chí Nguyễn Văn Đước - Phó Giám đốc được phân công phụ trách Sở Tài chính; từ tháng 5/2016 đến nay, đồng chí Nguyễn Văn Đước được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài chính.

Phó Ty Tài chính, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Từ năm 1975 đến năm 1978, Phó Ty là đồng chí Nguyễn Thi (Năm Thi); từ năm 1976 đến năm 1979, Phó Ty là đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Út Sỹ); từ năm 1976 đến năm 1979, Phó Ty là đồng chí Huỳnh Phi Hùng (Năm Hùng); từ năm 1980 đến năm 1990, Phó Ty là đồng chí Nguyễn Văn Rây (Tám Ốm); từ năm 1983 đến năm 1990, Phó Ty là đồng chí Nguyễn Công Minh (Tám Minh); từ năm 1980 đến năm 1989, Phó Ty là đồng chí Đoàn Văn Tám; từ năm 1980 đến năm 1989, Phó Ty là đồng chí Trần Văn Huấn (Bảy Sóc); từ năm năm 1980 đến năm 1996, Phó Ty là đồng chí Nguyễn Trọng Thể (Hai Thể); từ năm 1980 đến năm 1999, Phó Ty là đồng chí Đào Xuân Thưởng (Năm Thưởng); từ năm 1993 đến năm 1995, Phó Giám đốc là đồng chí Nguyễn Văn Lộc; từ năm 1993 đến năm 1994, Phó Giám đốc là đồng chí Trương Tùng Thanh; từ năm 1995 đến năm 2005, Phó Giám đốc là đồng chí Nguyễn Văn Hây; từ tháng 9/2000 đến tháng 3/2001, Phó Giám đốc là đồng chí Nguyễn Xuân Hồng (Út Hồng); từ năm 2001 đến năm 2007, Phó Giám đốc là đồng chí Trương Thị Hồng; từ năm 2003 đến năm 2004, Phó Giám đốc là đồng chí Phạm Văn Sơn; từ năm 2004 đến năm 2008, Phó Giám đốc là đồng chí Dương Văn Thắng; từ năm 2004 đến tháng 10/2015, Phó Giám đốc là đồng chí Nguyễn Văn Đước.

Các Phó Giám đốc đương nhiệm hiện nay là các đồng chí: Phạm Hồng Ân (2008 - đến nay), đồng chí Trương Trúc Phương (2011 - đến nay), đồng chí Lê Trung Dương (2016 - đến nay).

 

Trích kỷ yếu Sở Tài chính 70 năm xây dựng và phát triển

 

Công khai ngân sách
dịch vụ công trục tuyến
Facebook_Tayninh
Zalo Tây Ninh
Bộ tài chính
văn phòng chính phủ người dân
văn phòng chính phủ doanh nghiệp
cong khai minh bach
gop y du thao
CÔNG TÁC ĐẢNG
ĐOÀN THANH NIÊN
Công đoàn
CỰU CHIẾN BINH
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
cải cách thủ tục hành chính
đường dây nóng
csdl quốc gia
công báo tây ninh
công báo chính phủ
hộp thư điện tử
hỏi đáp
quản lý đầu tư
thanh tra tài chính
tuyên truyền giáo dục pháp luật
thống kê tài chính
tài liệu đk giá
hướng dẫn đăng ký QHNS trực tuyến
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay602
  • Tháng hiện tại34,629
  • Tổng lượt truy cập4,270,627
Công khai ngân sách
dịch vụ công trục tuyến
Facebook_Tayninh
Zalo Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây