V/v thẩm quyền đối với việc lập, cho ý kiến, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ
Số kí hiệu | 3035/UBND-KT |
Ngày ban hành | 25/09/2023 |
Ngày bắt đầu hiệu lực | |
Ngày hết hiệu lực | |
Thể loại | Công văn |
Lĩnh vực |
Văn bản chỉ đạo điều hành |
Cơ quan ban hành | UBND tỉnh Tây Ninh |
Người ký | PCT Dương Văn Thắng |
Trong thời gian chờ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 29/8/2018, để thống nhất thực hiện về thẩm quyền lập, cho ý kiến, phê duyệt dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện như sau:
I. Phạm vi thực hiện
1. Dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 2 Thông tư 58/2016/TT-BTC và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 68/2022/TT-BTC.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị vũ trang nhân dân thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia; tài sản dự trữ quốc gia; tài sản công tại doanh nghiệp; tài nguyên thiên nhiên và đất đai khác thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật, không thuộc phạm vi Công văn này.
II. Thẩm quyền lập dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản công, hàng hóa, dịch vụ
1. Thẩm quyền lập dự toán mua sắm
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) được giao nhiệm vụ mua sắm có trách nhiệm lập dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản công, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo đúng quy định.
2. Hồ sơ dự toán mua sắm
Hồ sơ dự toán mua sắm gửi cơ quan, đơn vị thẩm định hoặc cho ý kiến, bao gồm các loại hồ sơ như sau:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản;
b) Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có);
c) Danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ đề nghị mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí);
d) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá (Trường hợp tài sản, hàng hóa, dịch vụ được quy định riêng như mua sắm trong trường hợp đặc biệt hoặc chuyên ngành khác thì thực hiện theo các quy định hiện hành);
đ) Các hồ sơ khác có liên quan đến hồ sơ lập dự toán mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ (nếu có).
III. Thẩm định hoặc cho ý kiến dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản công, hàng hóa, dịch vụ
1. Đối với cơ quan, đơn vị cấp tỉnh
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công (theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND[1]); hàng hóa, dịch vụ (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 lần mua sắm) từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị lập dự toán mua sắm (kèm theo hồ sơ dự toán mua sắm) gửi Sở Tài chính cho ý kiến về dự toán mua sắm.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công khác (trừ tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND), hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 500 triệu đồng/01 lần mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định bộ phận chuyên môn thẩm định/cho ý kiến về dự toán mua sắm.
Riêng đối với đơn vị trực thuộc Sở, ban, ngành tỉnh (cơ quan quản lý cấp trên): đơn vị trực thuộc lập dự toán mua sắm gửi cơ quan quản lý cấp trên thẩm định/cho ý kiến về dự toán mua sắm.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ từ nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công (không bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước đặt hàng) hoặc quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công:
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công cấp tỉnh: Thủ trưởng đơn vị quyết định bộ phận chuyên môn thẩm định/cho ý kiến về dự toán mua sắm.
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở, ban, ngành tỉnh (cơ quan quản lý cấp trên): đơn vị sự nghiệp công trực thuộc lập dự toán mua sắm gửi cơ quan quản lý cấp trên thẩm định/cho ý kiến về dự toán mua sắm.
2. Đối với cơ quan, đơn vị cấp huyện
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công (theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND); hàng hóa, dịch vụ (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 lần mua sắm) từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị: trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập dự toán mua sắm (kèm theo hồ sơ dự toán mua sắm) gửi Sở Tài chính cho ý kiến về dự toán mua sắm.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công khác (trừ tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND); hàng hóa, dịch vụ từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị (có giá trị dưới 500 triệu đồng/01 lần mua sắm): Thủ trưởng cơ quan, đơn vị lập dự toán mua sắm (kèm theo hồ sơ dự toán mua sắm) gửi cơ quan tài chính cùng cấp cho ý kiến về dự toán mua sắm.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ từ nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công (không bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước đặt hàng) hoặc quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị lập dự toán mua sắm (kèm theo hồ sơ dự toán mua sắm) gửi cơ quan tài chính cùng cấp cho ý kiến về dự toán mua sắm.
IV. Thẩm quyền phê duyệt dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản công, hàng hóa, dịch vụ
1. Thẩm quyền phê duyệt dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản công, hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị cấp tỉnh
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công (theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND); hàng hóa, dịch vụ (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 lần mua sắm) từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt sau khi có ý kiến của Sở Tài chính.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công khác (trừ tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND), hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 500 triệu đồng/01 lần mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của bộ phận chuyên môn hoặc cơ quan quản lý cấp trên (đối với đơn vị trực thuộc).
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ từ nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công (không bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước đặt hàng) hoặc quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công: Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của bộ phận chuyên môn hoặc cơ quan quản lý cấp trên (đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc).
2. Thẩm quyền phê duyệt dự toán mua sắm thường xuyên đối với tài sản công, hàng hóa, dịch vụ của các cơ quan, đơn vị cấp huyện
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công (theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND); hàng hóa, dịch vụ (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 lần mua sắm) từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị: Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt sau khi có ý kiến của Sở Tài chính.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị (có giá trị dưới 500 triệu đồng/01 lần mua sắm): Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
- Đối với dự toán chi mua sắm tài sản công, hàng hóa, dịch vụ từ nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công (không bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước đặt hàng) hoặc quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công: Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định phê duyệt sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
[1] a) Nhà làm việc, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, nhà ở công vụ; quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, nhà ở công vụ;
b) Xe ô tô, phương tiện vận tải các loại;
c) Các tài sản công khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 lần mua sắm.