QUY CHẾ
Văn hóa công sở tại Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 314 /QĐ-STC ngày 15 tháng 11 năm 2018
của Giám đốc Sở Tài chính)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của công chức, người lao động thuộc Sở khi thi hành nhiệm vụ, cách thức bài trí công sở tại Sở Tài chính.
2. Áp dụng cho công chức, người lao động đang làm việc tại trụ sở cơ quan Sở Tài chính.
Điều 2.Nguyên tắc thực hiện văn hóa công sở
Việc thực hiện văn hóa công sở tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và điều kiện kinh tế - xã hội.
2. Phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ công chức, người lao động chuyên nghiệp, hiện đại.
3. Phù hợp với các quy định của pháp luật và mục đích, yêu cầu cải cách hành chính, chủ trương hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.
Điều 3. Mục đích, ý nghĩa việc thực hiện văn hóa công sở
Việc thực hiện văn hóa công sở nhằm các mục đích sau:
1. Bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của Sở Tài chính.
2. Xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử chuẩn mực của công chức, người lao động trong hoạt động công vụ phù hợp với công cuộc cải cách hành chính, đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa công sở của cơ quan; hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức, người lao động có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao gắn với tác phong "công khai, minh bạch, thuận lợi, đúng luật, hiệu lực và hiệu quả".
3. Tạo môi trường văn hóa, văn minh, hiện đại công sở; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của mỗi thành viên cơ quan trong các mối quan hệ hoạt động nhằm nâng cao uy tín của Sở Tài chính.
Điều 4. Các hành vi bị cấm
1. Sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng (chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân,...); đi muộn, về sớm; uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc và ngày trực; tổ chức và tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức trong đơn vị.
2. Quảng cáo thương mại, tiếp thị bán hàng tại công sở.
3. Hút thuốc lá tại các khu vực, gồm: Phòng làm việc, hành lang, phòng họp, hội trường, nhà kho, nhà để xe.
4. Thờ cúng trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan.
5. Đun nấu, tổ chức ăn uống tại các phòng làm việc.
6. Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Chương II
TRANG PHỤC, GIAO TIẾP VÀ ỨNG XỬ
CỦA CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 5. Trang phục
Trang phục của công chức, người lao động Sở Tài chínhtrong giờ làm việc ở công sở và khi thi hành công vụ phải trang trọng, lịch sự, sạch sẽ, gọn gàng theo quy định, cụ thể:
1. Đối với nam giới: Áo sơ mi, quần âu, áo bỏ trong quần, thắt lưng trang nhã; Bộ comple nam; đi giày hoặc dép có quai hậu.
2. Đối với nữ giới: Quần âu, áo sơ mi hoặc bộ comple nữ hoặc váy công sở có chiều dài tối thiểu phải ngang đầu gối hoặc bộ áo dài truyền thống, đi giày hoặc dép có quai hậu.
3. Trong giờ làm việc ở công sở và khi thi hành công vụ, công chức, người lao động tuyệt đối không mặc quần jean, áo thun, áo trễ cổ, áo không có ống tay, váy ngắn (trên đầu gối), váy mỏng (nhìn thấy nội y), váy xẻ cao, quần áo ngủ, quần áo nhàu nát, mang dép lê, đi chân không.
4. Công chức, người lao động có trang phục riêng theo quy định của ngành thì thực hiện theo quy định của ngành.
Điều 6. Lễ phục
Lễ phục của công chức, người lao động là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp quan trọng, đại hội, các cuộc tiếp khách nước ngoài.
1. Lễ phục của nam: Áo sơ mi, quần âu, áo bỏ trong quần, thắt lưng trang nhã, thắt caravat; bộ comple nam.
2. Lễ phục của nữ: Bộ áo dài truyền thống; bộ comple nữ.
Điều 7. Thẻ công chức, người lao động
1. Công chức, người lao động thực hiện nghiêm việc đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
2. Thẻ công chức phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên, chức danh, số hiệu của công chức (mã số thẻ).
3. Văn phòng chịu trách nhiệm bảo đảm việc xây dựng mẫu thẻ theo quy định của Bộ Nội vụ; cấp thẻ; quản lý, kiểm tra việc đeo thẻ công chức; theo dõi sự thay đổi các chức danh để điều chỉnh, cấp phát kịp thời.
Điều 8. Giao tiếp và ứng xử
Công chức, người lao động khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các quy định về những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.Trong giao tiếp và ứng xử, công chức, người lao động phải có thái độ lịch sự, tôn trọng;ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.
Quy định cụ thể như sau:
1. Giao tiếp khi giao dịch, làm việc
a. Khi chào hỏi, xưng hô, phục vụ tổ chức, công dân đến giao dịch, làm việc phải thể hiện sự lễ phép, lịch sự nhã nhặn, hướng dẫn tận tình; không được có thái độ cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, vô trách nhiệm, vô cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
b. Khi trực tiếp giao dịch với công dân, tổ chức cần thực hiện:
- Xưng tên, chức danh trước khi làm việc; lắng nghe công dân, tổ chức trình bày nguyện vọng, ý kiến; giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
- Trường hợp những yêu cầu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thì công chức hướng dẫn người dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
2. Giao tiếp với đồng nghiệp
Đối với đồng nghiệp phải thể hiện sự đúng mực, thái độ chân tình, có tinh thần đoàn kết, phối hợp công việc trên cơ sở đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn.
3. Giao tiếp với lãnh đạo
Công chức, người lao động khi chào hỏi, xưng hô với lãnh đạo phải thể hiện sự tôn trọng, đúng mực.
Điều 9. Giao tiếp, sử dụng điện thoại
1. Khi giao tiếp qua điện thoại, công chức, người lao động phải xưng tên, cơ quan, nơi công tác; tập trung vào nội dung công việc, không ngắt điện thoại đột ngột.
2. Không sử dụng điện thoại công vào việc riêng.
Điều 10.Ứng xử trong hội họp, nơi đông người
1. Công chức, người lao động tham dự họp phải nghiên cứu kỹ tài liệu họp đã nhận được, phải đến trước tối thiểu 05 phút trước khi bắt đầu cuộc họp theo chương trình đã thông báo.
2. Thực hiện tốt ứng xử văn hóa hội họp, thể hiện sự tôn trọng đối với người đang thuyết trình tại hội nghị: Không đọc báo, không nói chuyện, làm việc riêng; tắt điện thoại hoặc hạn chế nghe điện thoại và để điện thoại ở chế độ họp, hội nghị; hạn chế đi lại, không ra ngoài phòng họp khi không thật sự cần thiết; không nói chen khi không được phép của người chủ trì; không bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc.
Chương III
BÀI TRÍ CÔNG SỞ
Điều 11. Treo Quốc huy
Quốc huy được treo trang trọng tại phía trên cổng chính hoặc toà nhà chính. Kích cỡ Quốc huy phải phù hợp với không gian treo. Không treo Quốc huy quá cũ hoặc bị hư hỏng.
Điều 12. Treo Quốc kỳ
1. Quốc kỳ được treo nơi trang trọng trước công sở hoặc toà nhà chính. Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định.
2. Việc treo Quốc kỳ trong các buổi lễ, đón tiếp khách nước ngoài và lễ tang tuân theo quy định về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài, tổ chức lễ tang.
Điều 13. Đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hội trường phải thể hiện trang trọng, phù hợp.
Điều 14. Biển tên cơ quan
Cơ quan phải có biển tên được đặt tại cổng chính, trên đó ghi rõ tên gọi đầy đủ bằng tiếng Việt và địa chỉ của cơ quan.
Điều 15. Phòng làm việc
Phòng làm việc phải có biển tên ghi rõ tên phòng; trên bàn làm việc phải có bản tên ghi rõ họ và tên, chức danh công chức, người lao động.
Việc sắp xếp, bài trí phòng làm việc phải bảo đảm gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý.
Không lập bàn thờ, thắp hương, không đun, nấu trong phòng làm việc.
Điều 16. Quy định về khu vực để phương tiện giao thông
Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của công chức, người lao động và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc.
Quy định cụ thể đối với khu vực để phương tiện giao thông như sau:
1. Đối với công chức, người lao động cơ quan
- Có trách nhiệm chấp hành việc để xe đúng nơi quy định, thực hiện tự quản trong việc sắp xếp xe tại nhà để xe đảm bảo trật tự, ngăn nắp theo nguyên tắc xe đến trước phải chọn vị trí để xe thích hợp, tạo điều kiện cho việc sắp xếp xe đến sau.
- Khi đi công tác dài ngày, có nhu cầu để xe tại cơ quan phải báo với Bảo vệ để quản lý; trường hợp không thông báo, nếu xảy ra mất mát, Bảo vệ sẽ không chịu trách nhiệm.
2. Đối với khách đến trụ sở cơ quan
- Bố trí và quy định chỗ để xe của khách.
- Bảo vệ có nhiệm vụ hướng dẫn khách để xe tại địa điểm đã được quy định là nơi để xe cho khách.
- Khi có Hội nghị với thành phần tham dự họp với số lượng nhiều, Văn phòng linh động bố trí, điều hành chỗ để xe phù hợp.
Trên đây là Quy chế văn hóa công sở tại Sở Tài chính, trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, các phòng thuộc Sở phản ánh về Văn phòng để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Sởxem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
văn bản đính kèm.
Ý kiến bạn đọc