Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015 đầu tư từ nguồn vốn NSNN cho các công trình, dự án trên địa bàn thành phố tăng nhanh, nếu như giai đoạn 2005-2010 đạt 420,18 tỷ đồng; giai đoạn 2010-2015 đã lên đến 1.003,11 tỷ đồng, tăng 138% so giai đoạn 2005-2010.
Vốn đầu tư từ NSNN tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: đầu tư xây dựng các công trình giao thông huyết mạch là cầu nối giao thương giữa Thành phố và các huyện trong tỉnh, các đường chính nội thành, hẻm nội thành, đường giao thông ngoại thành; kiên cố hóa trường lớp học; xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; công viên, trung tâm y tế; lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường phố; chỉnh trang cây xanh, vỉa hè…
Đa số các công trình, dự án sau khi đầu tư đưa vào sử dụng đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, đầu tư từ nguồn vốn NSNN trong thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, hiệu quả đầu tư chưa cao, đầu tư ít nhiều còn mang tính dàn trải, thiếu đồng bộ, còn có dự án đầu tư hiệu quả đem lại hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết vai trò động lực cho sự phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN chưa cao là do cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển còn chưa đồng bộ, nhất là đầu tư công và do những hạn chế nhất định trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Có thể nói khó khăn lớn nhất trong quản lý điều hành của địa phương đối với hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN trên địa bàn là sự mất cân đối rất lớn giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn có thể cân đối, vốn cân đối chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế về đầu tư, nên việc ghi vốn đầu tư còn dàn trải, vốn ít mà phải bố trí cho nhiều dự án, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đề đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục đầu tư dàn trải, phân tán, không đồng bộ đã tồn tại nhiều năm nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định mới về quản lý vốn đầu tư từ nguồn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, nhất là Luật đầu tư công; phải xây dựng và thực hiện đầy đủ, nhất quán kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và phân kỳ thực hiện hằng năm.
Áp dụng nghiêm ngặt các chế tài trong giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng vật liệu theo quy định, không đảm bảo khối lượng xây lắp theo thiết kế được duyệt.
Thiết lập và vận hành quy trình hợp lý, chặt chẽ, có hiệu quả về thẩm định, lựa chọn, phân bổ vốn và thực hiện dự án. Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, cân đối thu chi còn khó khăn, tập trung bố trí đủ vốn đầu tư thực hiện các dự án quan trọng nhất, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất trong số các dự án đã chọn theo quy trình, nằm trong kế hoạch hàng năm, bảo đảm hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; không bố trí vốn những dự án không đủ thủ tục đầu tư; khắc phục đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả.
Quyết định đầu tư phải trên cơ sở cân đối và bố trí được nguồn vốn, áp dụng các chế tài nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư, tránh sai sót, rủi ro ngay từ chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng của dự án; tăng cường quản lý năng lực hoạt động của các nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng, chấm dứt tình trạng giao cho cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện năng lực và chuyên môn nghiệp vụ thực hiện và quản lý dự án. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của chủ đầu tư, của người dân và các tổ chức xã hội.
Thực tế hơn một năm qua, Thành phố đã rà soát, đánh giá lại những dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, phân chia thứ tự ưu tiên đầu tư và chú ý ưu tiên tập trung bố trí vốn cho những dự án có hiệu quả KT-XH cao, sớm hoàn thành trong năm 2014-2015; cũng đã xúc tiến xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, phân kỳ thực hiện trong từng năm; kỷ luật, kỷ cương trong lựa chọn, quyết định và phê duyệt dự án đầu tư và trong lựa chọn các đơn vị tư vấn, thiết kế dự án được tăng cường; khắc phục dần việc giao cho các phòng ban và UBND xã phường làm chủ đầu tư, việc thực hiện và quản lý dự án được giao cho cơ quan có chuyên môn và năng lực là Trung tâm QLDA ĐT và XDCT; điều kiện để phê duyệt dự án được thắt chặt hơn; hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát các dự án đầu tư được tăng cường, trách nhiệm quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư được chú trọng, cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với hoạt động đầu tư công ngày càng phát huy hiệu quả; khắc phục cơ bản nợ đọng XDCB.
Tóm lại, kết quả đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NSNN trong những năm qua đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống KT-XH. Hoạt động đầu tư xây dựng từ nguồn vốn NSNN ngày càng khẳng định vị trí vai trò quan trọng của mình, góp phần thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển thành phố, tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển KT – XH trên địa bàn. Tuy nhiên, những vai trò đó chỉ trở thành hiện thực khi vốn đầu tư được quản lý, sử dụng một cách hiệu quả. Hay nói cách khác, vốn đầu tư vào các công trình, dự án phải mang lại hiệu quả cao.
Phòng Tài chính Kế hoạch TP Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc