CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chớnh quyền địa phương ngày 22 thỏng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
Căn cứ Quyết định số 2054/QĐ-BTC ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021;
Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, khóa IX, kỳ họp thứ 19 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2021;
Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, khóa IX, kỳ họp thứ 19 về phân bổ ngân sách địa phương năm 2021;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 3862/STC-QLNS ngày 10/12/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:
1. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN):.... 10.500.000 triệu đồng, gồm:
- Thu nội địa ........................................................ 9.500.000 triệu đồng.
- Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ........................ 1.000.000 triệu đồng.
(Kèm theo phụ lục I, I.1 và I.2)
2. Tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP):... 11.542.193 triệu đồng, gồm:
a) Chi cân đối NSĐP:................................... 10.317.588 triệu đồng, gồm:
- Chi đầu tư phát triển:............................................ 3.439.850 triệu đồng.
- Chi thường xuyên:................................................ 6.008.148 triệu đồng.
- Chi trả nợ lãi do địa phương vay: ................................ 1.450 triệu đồng.
- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương:............... 1.000 triệu đồng.
- Dự phòng ngân sách:............................................... 205.900 triệu đồng.
- Chi tạo nguồn cải cách tiền lương: .......................... 661.240 triệu đồng.
b) Chi các mục tiêu, nhiệm vụ: ............................... 1.224.605 triệu đồng.
(Kèm theo phụ lục II)
3. Tổng mức vay: ....................................................... 32.800 triệu đồng.
Trong đó: vay bù đắp bội chi:...................................... 24.400 triệu đồng.
4. Chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương năm 2021: 13.160 triệu đồng, bao gồm:
- Từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi: 9.810 triệu đồng;
- Từ nguồn kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2019: 1.350 triệu đồng;
- Từ nguồn trích 20% nguồn thu phí thủy lợi kênh Tân Hưng: 2.000 triệu đồng.
Điều 2.
1. Giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 cho các đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp tỉnh.
(Kèm theo phụ lục III, IV và IV.1)
2. Giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương cho các huyện, thị xã, thành phố năm 2021.
(Kèm theo các phụ lục V, VI, VII)
Điều 3. Căn cứ dự toán ngân sách năm 2021 được giao, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm: quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao; chống thất thoát, lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó:
1. Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng đối với ngân sách các huyện, thị xã, thành phố: Phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hoạt động hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do tỉnh ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
2. Các huyện, thị xã, thành phố:
a) Đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2021; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành.
Điều 4. Chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương:
1. Các cơ quan, đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2021 từ: một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2020 còn dư chuyển sang (nếu có) để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (kể cả các đơn vị trực thuộc).
2. Các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp các nhiệm vụ chi, phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo:
2.1. Tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2021 từ: một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2020 còn dư chuyển sang (nếu có); 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2020; 50% nguồn tăng thu dự toán năm 2021 của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2020; 50% nguồn kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương đến năm 2021 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Đối với nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất) để tính chi tạo nguồn cải cách tiền lương, loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo chế độ quy định.
2.2. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, nguồn kinh phí ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ và nguồn cải cách tiền lương của địa phương sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương và tỉnh ban hành theo quy định.
Điều 5. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách tại Điều 1 theo đúng quy định.
2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc phân bổ dự toán và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc và đơn vị sử dụng ngân sách tại Điều 2 theo đúng quy định. Căn cứ dự toán được giao, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách trước ngày 31 tháng 12 năm 2020 và tổ chức việc công khai dự toán ngân sách đúng quy định; Báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả phân bổ, giao dự toán ngân sách để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Tổ chức thực hiện dự toán được giao theo đúng quy định.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2021 và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán và phân bổ ngân sách. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giao dự toán ngân sách năm sau cho từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình và cấp dưới; đồng thời, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Tài chính về dự toán ngân sách đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Điều 6. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này, kể từ ngày ký.
tập tin đính kèm.
Ý kiến bạn đọc