A. Tình hình giá cả thị trường và công tác quản lý giá tháng 01 năm 2024
I. Tình hình chung:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2024 tăng 0,18% so với tháng trước; tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu dùng tháng 01 năm 2024 ở tỉnh so với tháng trước thay đổi do:
- 04 nhóm tăng giá so với tháng trước, với mức tăng như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,87%; nhóm giao thông tăng 0,12%;và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%
- 07 nhóm có chỉ số giá ổn định là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch.
(Theo số liệu Cục Thống kê)
II. Diễn biến cụ thể một số mặt hàng chính:
1. Lương thực:
Chỉ số giá nhóm hàng lương thực tăng 0,48% so với tháng 01 năm 2024 nguyên nhân giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu thế giới tăng cao, thương lái thu gom đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó thị trường gạo, giá bột mì và ngũ cốc giao dịch khá sôi động so nhu cầu Tết cao nên đẩy giá lương thực tăng.
Giá bán một số loại lương thực chủ yếu như sau:
a) Lúa: Lúa thường: 9.500 đồng/kg – 10.500 đồng/kg.
b) Gạo:
- Gạo tẻ thường: từ 16.000 đồng/kg – 17.000 đồng/kg.
- Gạo Tài nguyên loại I: 23.500 đồng/kg – 24.500 đồng/kg.
2. Thực phẩm:
Do lượng cung dồi dào nên giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cơ bản ổn định và không có biến động lớn. Giá cả cơ bản tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng thiết yếu tại khu vực thành phố Tây Ninh và khu vực các huyện có sự chênh lệch, tuy nhiên không đáng kể. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn tương đối ổn định trong những tháng gần đây và giảm so với tháng cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, thị trường hàng hóa, giá cả ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay đột biến về cung – cầu và giá cả; đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Cơ sở kinh doanh trên địa bàn Tỉnh đảm bảo cung ứng đầy đủ phục vụ cho người tiêu dùng, hàng hóa dồi dào, đa dạng không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất hợp pháp.
Giá bán một số loại thực phẩm chủ yếu như sau:
a) Thịt heo:
- Thịt lợn hơi: 55.000 đồng/kg – 75.000 đồng/kg.
- Thịt lợn nạc thăn: 115.000 đồng/kg - 130.000 đồng/kg.
b) Thịt bò:
- Thịt bò thăn: 245.000 đồng/kg - 255.000 đồng/kg.
- Thịt bò bắp: 230.000 đồng/kg – 250.000 đồng/kg.
c) Thịt gà:
- Gà ta còn sống (gà mái dầu) từ 115.000 đồng/kg - 130.000 đồng/kg.
- Gà công nghiệp làm sẵn (nguyên con): 65.000 đồng/kg - 85.000 đồng/kg.
d) Các mặt hàng thủy, hải sản:
- Cá Lóc: 90.000 đồng/kg - 100.000 đồng/kg.
- Cá chép: 80.000 đồng/kg – 95.000 đồng/kg.
e) Các loại rau, củ, quả:
- Bắp cải trắng: 15.000 đồng- 17.000 đồng.
- Cải bẹ xanh: từ 16.000 đồng/kg – 18.000 đồng/kg.
- Cà chua: 20.000 đồng/kg - 23.000 đồng/kg.
- Bí xanh: 18.000 đồng/kg - 20.000 đồng/kg.
3. Nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng
- Dầu ăn thực vật cooking Tường An: 52.000 đồng/lít.
- Muối iot: 7.000 đồng/kg.
- Đường Biên hòa: 27.500 đ/kg – 29.500 đồng/kg.
- Cocacola lon: 195.000 đồng/thùng - 205.000 đồng/thùng.
- 7 Up lon: 195.000 đồng/thùng - 205.000 đồng/thùng.
- Bia Sài Gòn lon: 250.000 đồng/thùng - 280.000 đồng/thùng.
- Sữa Dielac Alpha Grow plus 2+ (Trẻ từ 1 đến 2 tuổi) 900g: 350.000 – 400.000 đồng/hộp.
4. Nhóm Vật tư nông nghiệp, chất đốt và vật liệu xây dựng
a) Vật tư nông nghiệp
Các mặt hàng vật tư nông nghiệp (Giống lúa, Vac-xin phòng bệnh vật nuôi, thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, phân bón) trong dịp trước tết nguyên đán có giá không thay đổi so với tháng 01 năm 2024, trừ thuốc trừ cỏ giảm 0,65%, giống lúa OM4900 tăng 3,33%, NPK tăng 1.01%.
b) Chất đốt, nhiên liệu
Giá gas đun trong tháng 01 tương đối ổn định, tăng 5.500 đồng so với tháng 12 năm 2023.
Giá xăng trong biến động nhiều lần tháng 01, tăng so với tháng 12 năm 2023, cụ thể: xăng E5 Ron 92 tăng 1,04%, xăng Ron 95 tăng 1,54%, giá dầu tăng 3,43%.
Giá vé của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách các tuyến dài trong tháng 01 không thay đổi so với tháng 12. Tuy nhiên, trong dịp tết nguyên đám Giáp Thìn, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sẽ điều chỉnh tăng giá từ 10% đến 40% trong khoảng thời gian từ 4/02/2024 đến 17/02/2024.
c) Vật liệu xây dựng:
Trong tháng 01 năm 2024, giá ống nhựa, cát, xi măng có giá ổn định. Riêng thép xây dựng tăng 1,21% , giá gạch tăng 16,11% so với tháng trước
5. Giá vàng và Đô la Mỹ:
Giá vàng 99,9% (vàng trang sức), tỷ giá hạch toán đồng Việt Nam với đô la Mỹ biến động nhẹ trong tháng. Tại ngày 30/01/2024 giá vàng 99,9% (vàng trang sức) trong tháng 01 năm 2024 tăng 0,48% và tỷ giá hạch toán đồng Việt Nam với đô la Mỹ trong tháng 01 năm 2024 tăng 1,19% so với tháng 12 năm 2023.
(Phụ lục kèm theo)
III. Tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý giá tháng 01 năm 2024:
- Đã thực hiện báo cáo về tình hình giá cả thị trường tháng 12 và 12 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gửi về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
- Tiếp nhận hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng thông báo giá vật liệu xây dựng tháng 12 năm 2023.
- Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-UBND ngày 08/01/2024 công bố danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thuộc đối tượng thực hiện kê khai giá đối với các mặt hàng: Vật liệu san lấp, đá, cát xây dựng.
B. Phương hướng, nhiệm vụ tháng 02 năm 2024:
- Thực hiện báo cáo về tình hình giá cả thị trường tháng 01 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gửi về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
- Đối với doanh nghiệp: hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cung ứng hàng hóa ra thị trường.
- Phối hợp sở, ngành: Sở Xây dựng thông báo giá vật liệu xây dựng tháng 01 năm 2024.
- Phối hợp với các Sở, ban ngành theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung cầu và giá cả thị trường trên địa bàn, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt lợn, rau củ quả… dịch vụ vận chuyển hành khách, tham quan, lễ hội...và các mặt hàng thiết yếu để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Tiếp nhận hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Phối hợp với các Sở, Ban Ngành thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của Pháp luật về giá hàng hóa, dịch vụ dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.
- Phối hợp với Sở Công thương thực hiện khảo sát, kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và một số chợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
- Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 26/01/2024, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành thực hiện báo cáo giá thị trường trước Tết, trong và sau Tết nguyên đán giáp Thìn năm 2024, gửi Bộ Tài chính.
C. Dự báo tình hình giá thị trường trên địa bàn tỉnh tháng 02 năm 2024:
Hàng hóa cung ứng trên thị trường đầy đủ, phong phú, mặc dù đây là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng đời sống người dân khó khăn do thất nghiệp, khó xin việc,.. nên chi tiêu dịp tết nguyên đán có xu hướng tiết kiệm. Vì vậy, dự báo giá cả thị trường hàng hóa, lương thực trong tháng tới sẽ có xu hướng tăng nhẹ.
Tập tin đính kèm
1. Báo cáo số 30/BC-STC ngày 04/02/2024 của Sở Tài chính
P. QLG&CS
Ý kiến bạn đọc