tập tin đính kèm.
A. PHẠM VI HƯỚNG DẪN VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
I. PHẠM VI HƯỚNG DẪN
Hướng dẫn thực hiện việc quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như sau:
1. Dự án ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước;
2. Các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
3. Dự án ứng dựng CNTT sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án, thực hiện theo các quy định tại quyết định này.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Quy định này.
B. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN
I. Đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước (dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP)
1. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư
Trình tự, thủ tục dự án đầu tư đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công; Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và Mục 2 Chương II Nghị định 73/2019/NĐ-CP, Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND trong đó:
a. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư:
- Về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định dự án đầu tư: Thực hiện theo Luật đầu tư công; Nghị định số 40/2020/NĐ-CP; Nghị định số 73/2019/NĐ-CP; Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND.
- Về thực hiện khảo sát: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
b. Giai đoạn thực hiện đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP; Thông tư 24/2020/TT-BTTTT và các văn bản hướng dẫn.
c. Giai đoạn kết thúc đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
2. Thẩm quyền phê duyệt, thẩm định dự án ứng dụng CNTT
2.1. Thẩm quyền phê duyệt dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
2.2. Thẩm quyền thẩm định dự án ứng dụng CNTT
a. Đối với các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, Báo cáo nghiên cứu khả thi.
b. Đối với các dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư: Giao cho hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư trực thuộc làm đầu mối tổ chức thẩm định.
2.3. Thẩm quyền thẩm định thiết kế dự án ứng dụng CNTT
a. Trường hợp thiết kế 2 bước (thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết): Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế cơ sở và cho ý kiến về sự phù hợp trong việc áp dụng các định mức chi phí, mức chi, đơn giá; việc vận dụng định mức, đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục chi phí trong dự toán theo quy định trong việc lập tổng mức đầu tư đối với dự án do Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, trừ các dự án có thiết kế cơ sở thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán (Chủ đầu tư được phép thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán để làm cơ sở thẩm định đối với các phần việc mà mình thực hiện (nếu thấy cần thiết)).
b. Trường hợp thiết kế 1 bước (thiết kế chi tiết trong Báo cáo kinh tế kỹ thuật): Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế chi tiết và cho ý kiến về sự phù hợp trong việc áp dụng các định mức chi phí, mức chi, đơn giá; việc vận dụng định mức, đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục chi phí trong dự toán theo quy định trong việc lập dự toán đối với dự án do Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, trừ các dự án có thiết kế chi tiết thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
c. Trường hợp Sở Thông tin và Truyền thông là chủ đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định theo khoản a, khoản b tại mục 2.3 này.
II. Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước
1. Thẩm quyền phê duyệt
Thực hiện theo thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được quy định tại Điều 4, Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2. Quy trình giao, phân bổ dự toán ngân sách cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước và quy định chung về giao, phân bổ dự toán ngân sách tại tỉnh.
3. Lựa chọn hình thức triển khai
a. Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc khoản 1 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP thì cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và hướng dẫn tại khoản 4, mục II, Phần B của Hướng dẫn này.
b. Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thì cơ quan, đơn vị thực hiện lập Đề cương và dự toán chi tiết theo Điều 4, Điều 5 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT và theo hướng dẫn tại khoản 5, mục II, Phần B của Hướng dẫn này.
c. Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thì cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại khoản 6, mục II, Phần B của Hướng dẫn này.
d. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường (còn gọi là dịch vụ theo yêu cầu riêng) thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại khoản 7, mục II, Phần B của Hướng dẫn này
đ. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường, cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và hướng dẫn khoản 8, mục II, Phần B của Hướng dẫn này.
Trường hợp người có thẩm quyền quyết định thuê dịch vụ yêu cầu phải lập Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin thì lập Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại khoản 7, mục II, Phần B của Hướng dẫn này.
4. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP (không phải lập đề cương, dự toán chi tiết và không phải lập dự án)
a. Quy trình thực hiện: Thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị tại Thông tư 58/2016/TT-BTC và Quyết định 17/2019/QĐ-TTg.
b. Trong trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể lấy ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan, đơn vị có chuyên môn liên quan về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tính đồng bộ trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và sự phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.
5. Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập Đề cương và dự toán chi tiết
5.1. Trình tự các bước thực hiện
Bước 1: Đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện lập đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT.
Bước 2: Đơn vị sử dụng ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết.
Bước 3: Sau khi được phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết, thực hiện trình tự thủ tục mua sắm theo quy định pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan đơn vị.
5.2. Thẩm quyền thẩm định đề cương và dự toán chi tiết
a. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, làm đầu mối phối hợp với Sở Tài chính hoặc thuê chuyên gia (nếu cần) thẩm định đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trường hợp Sở Thông tin và Truyền thông đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
- Thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã và theo phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ hiện hành của tỉnh.
- Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, tùy theo tính chất phức tạp của từng công việc và nội dung chi, đơn vị đầu mối thẩm định có thể lấy ý kiến bằng văn bản hoặc thành lập hội đồng thẩm định, tổ chức hội nghị tư vấn để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến chuyên gia (nếu cần thiết).
b. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đơn vị đầu mối thẩm định đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp mình và phải gửi hồ sơ cho Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ trước khi phê duyệt.
5.3. Sau khi đề cương và dự toán chi tiết được phê duyệt, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật đấu thầu và pháp luật liên quan.
6. Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện lập dự án
6.1. Trình tự các bước thực hiện
Trình tự các bước, giai đoạn thực hiện dự án tương tự theo quy định về quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại mục 2 Chương II Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
Các nội dung thực hiện theo dự án đầu tư ứng dụng CNTT bao gồm: phân loại dự án, trình tự thủ tục đầu tư dự án, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, quản lý chi phí, quản lý chất lượng.
Các nội dung thực hiện theo pháp luật ngân sách nhà nước bao gồm: chủ trương thực hiện, thẩm quyền quyết định đầu tư, xác định chủ đầu tư, đơn vị đầu mối thẩm định dự án.
6.2. Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án: thực hiện theo khoản 1, mục II, Phần B của Hướng dẫn này.
6.3. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án
- Đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì làm đầu mối thẩm định dự án, phối hợp với Sở Tài chính có ý kiến về kinh phí, nguồn kinh phí thực hiện dự án.
- Đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã theo phân cấp thì Thủ trưởng các cơ quan này thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối thẩm định.
Do dự án không sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nên về nội dung thẩm định tổng mức đầu tư/dự toán, đơn vị đầu mối thẩm định thực hiện thẩm định về sự phù hợp của dự toán dự án với các quy định hiện hành, khả năng bố trí vốn, cân đối vốn trong nguồn kinh phí chi thường xuyên được giao và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án.
6.4. Thẩm quyền thẩm định thiết kế
Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết dự án tương tự như đã hướng dẫn tại khoản 2.3, mục I, Phần B của Hướng dẫn này.
6.5. Quản lý chi phí dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTTTT và các văn bản hướng dẫn về xác định chi phí, định mức của các bộ, ngành liên quan.
6.6. Quản lý chất lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP, Thông tư 24/2020/TT-BTTTT và các văn bản liên quan tới nội dung đầu tư.
7. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường
7.1. Trình tự các bước thực hiện
Bước 1: Lập kế hoạch thuê dịch vụ CNTT theo quy định tại Điều 54, 55, 56, 57, 58 Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
Bước 2: Trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ CNTT.
Bước 3: Sau khi được phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ CNTT, thực hiện trình tự thủ tục mua sắm theo quy định pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan đơn vị.
Bước 4: Kiểm thử, vận hành thử dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thì tiến hành sử dụng dịch vụ thuê theo quy định tại Điều 58, Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
7.2. Thẩm quyền thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ CNTT
a. Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định kế hoạch thuê đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin (gọi tắt là kế hoạch thuê) không sẵn có trên thị trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài chính về kinh phí, nguồn kinh phí thực hiện, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch thuê. Trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định kế hoạch thuê, Sở Thông tin và Truyền thông trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thuê, làm căn cứ để thực hiện.
b. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn giao đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối thẩm định đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp mình, đồng thời gửi lấy ý kiến về chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan khác (nếu có) trước khi phê duyệt kế hoạch thuê.
8. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường
a. Quy trình thực hiện: Thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị tại Thông tư 58/2016/TT-BTC và Quyết định 17/2019/QĐ-TTg.
b. Trong trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể lấy ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan, đơn vị có chuyên môn liên quan về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tính đồng bộ trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và sự phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ động tham mưu, rà soát các nội dung Hướng dẫn này, báo cáo UBND tỉnh xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành;
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương các nội dung chi tiết về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
- Phối hợp hướng dẫn, thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, theo phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan, đơn vị các nội dung, quy định về quản lý đầu tư công trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công.
4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; Các ban quản lý dự án; Chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham khảo Hướng dẫn này để triển khai trong quá trình hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.
5. Hướng dẫn này được đăng tải trên mục "VĂN BẢN MỚI" trên Trang thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh tại địa chỉ: http://www.tayninh.gov.vn.
6. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các tổ chức cá nhân kịp thời phản ánh đến Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn cụ thể./.
Ý kiến bạn đọc