Ngày 14/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 14/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Trong đó, một số điểm quan trọng được chỉ đạo cụ thể như:
1. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh chống tham nhũng, kiểm soát lạm phát; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân… Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng sau: Phát triển mạnh kinh tế biển, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, dịch vụ trên biển và các biện pháp bảo vệ ngư trường, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Về công tác quốc phòng, an ninh, Thủ tướng chỉ đạo: tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Có có phương án tác chiến cụ thể ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, bảo đảm an ninh kết hợp phát triển kinh tế; tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài hiện đại.Thực hiện quyết liệt bằng sức mạnh tổng hợp và các giải pháp đồng bộ, tăng cường thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông.
Ngoài ra, về kinh tế, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung vào các giải pháp về giảm chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất, tăng cường tính minh bạch, nâng cao môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu. Phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%.
2. Theo Chỉ thị số 14/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2015 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2014, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2015 có tính đến các tác động trong và ngoài nước trong tình hình mới. Mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2015 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân 14-16% so với đánh giá ước thực hiện năm 2014 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2014. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2015, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội… rất lớn nên cân đối ngân sách nhà nước năm tới tiếp tục khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia; nhiệm vụ quốc phòng an ninh, hỗ trợ ngư dân phát triển đánh bắt, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các nhiệm vụ giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, vốn thực hiện các dự án PPP...; các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, các địa phương. Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước 31/12/2014 nhưng chưa bố trí đủ vốn.
Ngoài ra, cũng theo Chỉ thị số 14/CT-TTg, năm 2015 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2011-2015. Dự toán ngân sách địa phương năm 2015 được xây dựng đảm bảo cân đối đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành và theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
3. Về dự toán thu ngân sách địa phương, căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2015 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của đối tượng nộp thuế trên địa bàn và những nguồn thu mới, lớn phát sinh trên địa bàn địa phương để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, từng sắc thuế theo chế độ. Phân tích đánh giá cụ thể những tác động, ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, từng nguồn thu, sắc thuế, trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, miễn tiền thuê đất (tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước,…) và các chính sách thu mới của các cấp có thẩm quyền.
4. Về xây dựng chi ngân sách địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ vào nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tỷ lệ (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (nếu có) đã được giao ổn định trong giai đoạn 2011-2015 và số bổ sung hỗ trợ theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương theo quy định tại Quyết định 59/2010?QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước năm 2011 để xác định nguồn ngân sách địa phương. Trong phạm vi nguồn thu ngân sách địa phương đã được xác định, xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương cụ thể đối với từng lĩnh vực chi giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, văn hóa thông tin, sự nghiệp môi trường theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tình hình thực hiện dự toán đối với các khoản được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2014, căn cứ các chính sách và chế độ hiện hành, xây dựng chế độ dự toán chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ quan trọng, xây dựng dự toán số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2015 theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 29 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 6/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước. Trong đó, dự toán số bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư được xác định trên cơ sở tiêu chí, định mức hỗ trợ theo quy định tại theo quy định tại Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015; dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp căn cứ vào chế độ, chính sách đã quyết định để bảo đảm nguồn thực hiện các chế độ, chính sách trong năm 2015.
Đối với các dự án khởi công mới, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chỉ bố trí vốn khởi công mới cho các dự án thật sự cấp bách, nằm trong quy hoạch đã được duyệt, đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, có thủ tục đầu tư theo quy định trước ngày 31/10/2014, đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật và không bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, không bố trí vốn bổ sung có mục tiêu nguồn ngân sách Trung ương cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn gốc; các dự án phê duyệt quyết định đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; không bố trí phần vốn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư theo quy định tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/06/2013 và không bố trí vốn ngân sách Trung ương cho các dự án sử dụng vốn vay ngân sách địa phương chưa thẩm định vốn hoặc phê duyệt phần vốn ngân sách Trung ương cao hơn mức đã thẩm định.
Tài liệu đính kèm: Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 14/6/2014
Phòng Ngân sách
Ý kiến bạn đọc