Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3550/KH-UBND ngày 08/11/2024 thực hiện "11 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
1. Phạm vi, đối tượng, thời gian
- Đối tượng, phạm vi triển khai thực hiện: Sở, ban ngành, địa phương, cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 10/11/2024 đến ngày 31/12/2024.
2. Nhiệm vụ cụ thể và phân công thực hiện
(1) Triển khai sổ sức khỏe điện tử
- Mục tiêu:
+ Đối với người dân: Giúp cho người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, tiết kiệm chi phí cho nhà nước và người dân. Người dân hoàn toàn chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y, bác sỹ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
+ Đối với bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh: Tiết kiệm thời gian, chi phí đối với các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã sẵn có trên hệ thống) cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí.
+ Đối với cơ quan nhà nước: Thuận tiện trong việc phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý nhà nước, chính sách củng cố, bảo vệ sức khỏe nhân dân,…
- Lực lượng triển khai: Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
- Đơn vị chủ trì: Sở Y tế.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình tại Quyết định số 4750/QĐ-BYT, ngày 29/12/2023 của Bộ Trưởng Bộ y tế tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, chữa bệnh BHYT.
+ Thực hiện theo Hướng dẫn số 2733/QĐ-BYT, ngày 17/9/2024 của Bộ Trưởng Bộ y tế về ban hành Hướng dẫn thí điểm thực hiện “Sổ sức khỏe điện tử” phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn triển khai liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT, thực hiện tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng một trong các số định danh như: Thẻ Căn cước/Căn cước công dân, Định danh cá nhân, số thẻ BHYT cho tất cả đối tượng người bệnh. Ghi nhận, ký số và liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID, tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh bằng Sổ sức khỏe điện tử VNeID.
- Lộ trình thực hiện: Từ ngày 17/9/2024 theo đúng lộ trình tại Quyết định số 4750/QĐ-BYT, ngày 29/12/2023 của Bộ Trưởng Bộ y tế.
(2) Triển khai thí điểm “Học bạ số cấp tiểu học”
- Mục tiêu: Nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng Học bạ số làm cơ sở để triển khai Học bạ số thống nhất trên toàn quốc.
- Lực lượng triển khai: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, Hiệu trưởng các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh.
- Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT, ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Triển khai thí điểm Học bạ số cấp Tiểu học.
+ Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, Hiệu trưởng các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 1272/KH-SGDĐT, ngày 02/04/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai thí điểm Học bạ số cấp Tiểu học và Quyết định số 2688/QĐ-SGDĐT, ngày 06/06/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Học bạ số cấp Tiểu học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Lộ trình thực hiện: Tiếp tục duy trì triển khai theo lộ trình, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT.
(3) Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
- Mục tiêu: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, chi trả không dùng tiền mặt. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, khuyến khích các khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công, tránh tình trạng chậm chi trả an sinh xã hội, trùng lĩnh đối tượng.
- Lực lượng triển khai: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
+ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu về đối tượng an sinh xã hội, thường xuyên cập nhật danh sách đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
+ Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong việc xác minh thông tin về các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
+ Hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
- Lộ trình thực hiện: Thường xuyên.
(4) Chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt
- Mục tiêu:
+ Tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
+ Rà soát, xác thực người hưởng, tình trạng người hưởng để đảm bảo quản lý người hưởng chặt chẽ; chi trả đúng người hưởng, đúng chế độ; tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.
- Lực lượng triển khai: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội cấp huyện, Công an cấp huyện, Công an cấp xã.
- Đơn vị chủ trì: Bảo hiểm xã hội tỉnh.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Tiếp tục thực hiện vận động, tuyên truyền người hưởng nhận chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng lương theo Quy trình số 2286/C06-TCKT, ngày 22/03/2024 về phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ Công an tỉnh trên cơ sở người hưởng của BHXH Việt Nam chuyển sang và đã được C06 trích xuất, phân loại dữ liệu chuyển xuống theo hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn dữ liệu để Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố và Công an xã,phường, thị trấn cùng phối hợp thực hiện.
+ Chỉ đạo BHXH cấp huyện phối hợp với Công an cấp huyện, cấp xã và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các bước theo quy trình của cấp trên hướng dẫn trong các kỳ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
(5) Vay tín chấp
- Mục tiêu: Hỗ trợ cho công dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) và người có công vay vốn kịp thời, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, phòng tránh việc gian lận, tạo lập hồ sơ vay không đúng đối tượng.
- Lực lượng triển khai: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh.
- Đơn vị chủ trì: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đối sánh dữ liệu, phối hợp với Công an tỉnh làm sạch dữ liệu.
+ Công an tỉnh triển khai các giải pháp làm sạch thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có công, thực hiện phối hợp với ngân hàng hỗ trợ cho vay khi có chỉ đạo, hướng dẫn từ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH.
+ Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh phối hợp triển khai đến các chi nhánh tín tổ chức tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn triển khai theo thẩm quyền, đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả.
- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
(6) Triển khai cấp Lý lịch tư pháp trên VNeID
- Mục tiêu:
+ Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu Lý lịch tư pháp, tránh lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và nhà nước.
+ Tạo điều kiện thuận lợi để công dân lựa chọn phương thức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phù hợp. Bên cạnh phương thức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, công dân có thể thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháo trên ứng dụng Định danh quốc gia VNeID.
+ Người dân sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay cho bản giấy Cản cước công dân/Căn cước để thực hiện giao dịch thủ tục hành chính cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID.
- Lực lượng triển khai: Sở Tư pháp tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp tỉnh.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1875/KH-UBND, ngày 25/6/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử trên VNeID trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
+ Tăng cường xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo Công văn số 2308/UBND-NC, ngày 31/7/2024 của UBND tỉnh.
+ Tập trung tuyên truyền, triển khai Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC, ngày 20/9/2024 của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hướng dẫn thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID.
- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
(7) Số hóa hộ tịch (Tây Ninh đã hoàn thành).
(8) Cơ sở dữ liệu đất đai
- Mục tiêu:
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.
+ Hạn chế được những sai sót, nhầm lẫn, chồng chéo do các thông tin và dữ liệu đất đai phục vụ quản lý được tổ chức thành một hệ thống. Thông tin về đất đai được minh bạch, công khai góp phần đảm bảo được tính công bằng xã hội và hỗ trợ người thực hiện chức năng giám sát các hoạt động của Nhà nước.
+ Đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin đất đai của người dân và tổ chức, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai và hạn chế tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
- Lực lượng triển khai: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, triển khai, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2309/UBND-KSTT, ngày 31/7/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo Công văn số 3983/BTNMT-ĐKDLĐĐ.
+ Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh thực hiện kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dất đai, triển khai kết nối, chia sẻ, làm sạch thông tin, dữ liệu đất đai với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
+ Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính đất đai cung cấp trên cổng dịch vụ công đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc cập nhật dữ liệu trên hệ thống liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
- Lộ trình thực hiện: Hoàn thành trước ngày 01/01/2025.
(9) Giải pháp chuẩn hóa việc đánh số nhà
- Mục tiêu:
+ Đảm bảo việc xác định địa chỉ nhà và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu tiếp nhận thông tin, liên lạc, giao dịch dân sự, giao dịch thương mại và các giao dịch khác.
+ Góp phần chỉnh trang đô thị, nông thôn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, dân cư, công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự theo quy định.
+ Chuẩn hóa việc đánh số nhà đảm bảo việc quản lý thông tin, dữ liệu về địa chỉ của tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu.
- Lực lượng triển khai: Sở Xây dựng, UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì: Sở Xây dựng.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Thông tư số 08/2024/TT-BXD, ngày 30/8/2024 của Bộ Xây dựng quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng.
+ Quản lý thông tin, dữ liệu về địa chỉ số nhà của tổ chức, cá nhân; đảm bảo tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức rà soát, thực hiện đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 08/2024/TT-BXD, ngày 30/8/2024 của Bộ Xây dựng quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng.
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 10/11/2024 theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
(10) Triển khai thí điểm 02 Dịch vụ công liên thông
- Mục tiêu:
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, các tiện ích khác trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, mang lại lợi ích cho người dân trong việc giảm thời gian, chi phí đi lại. Công dân chỉ cần thực hiện 01 lần nhưng có thể giải quyết được 03 thủ tục hành chính kèm theo.
+ Giúp cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như: giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Lực lượng triển khai: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Phân công nhiệm vụ:
+ Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Nghị định số 63/2024/NĐ-CP, ngày 10/6/2024 của Chính phủ và Thông tư số 04/2024/TT-BTP, ngày 08/4/2024 của Bộ Tư pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2085/UBND-KSTT, ngày 11/7/2024 của UBND tỉnh Tây Ninh.
+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện Hệ thống định danh, xác thực điện tử VNeID bảo đảm vận hành ổn định, thông suốt 24/7. Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin trong quá trình triển khai thực hiện.
+ Tổ chức tiếp nhận hồ sơ liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính: Nhóm 1: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; Nhóm 2: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng tử tuất theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP.
+ Niêm yết công khai thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính.
- Lộ trình thực hiện: Thường xuyên.
(11) Tập huấn đào tạo trên phần mềm MOOC
- Mục tiêu: Cung cấp nền tảng đào tạo trực tuyến để nâng cao nhận thức, hỗ trợ triển khai Đề án 06 cho cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi phí đào tạo truyền thống.
- Lực lượng triển khai: Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
Tác giả bài viết: Văn Phòng Sở
Ý kiến bạn đọc