Thực hiện Nghị quyết số 171/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về kết quả giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 3138/KH-UBND ngày 08/10/2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 171/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh trên địa bàn tỉnh về kết quả giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh.
Các nội dung thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến của các cơ quan, đơn vị, địa phương về triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh gắn với trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; nâng cao hoạt động trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo 13 nhiệm vụ trọng tâm cho các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, gồm:
1. Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, việc kết nối chia sẻ liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng của các cơ quan trung ương với ứng dụng của tỉnh để báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ.
2. Tiến hành rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
3. Tiến hành rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26/01/2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
4. Các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Đề án nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số PAR INDEX, PAPI, PCI, SIPAS, DTI của tỉnh để đối chiếu với các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân.
5. Rà soát, nghiên cứu và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, quy trình giải quyết công việc hành chính nội bộ. Rà soát và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính phân cấp, uỷ quyền cho cấp huyện, tập trung vào các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư,…
6. Tăng cường thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính; công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi.
7. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc và cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính.
8. Rà soát, ban hành danh mục thủ tục hành chính bắt buộc thực hiện liên thông, xác định rõ thời gian, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong từng bước của quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo cắt giảm tối đa thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
9. Tập trung xây dựng, ban hành các quy chế, quy định của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trưường số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lục tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số của tỉnh.
10. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cá nhân được phân công phụ trách lĩnh vực, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ, các trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, các trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Lấy kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tiêu chí xét thi đua khen thưởng hàng năm đối với tổ chức, cá nhân.
11. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.
12. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện cải cách hành chính để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quan tâm sắp xếp, xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn về công nghệ thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả phù hợp với thực tiễn để phục vụ hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh
13. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin báo cáo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cung cấp dữ liệu đất đai (như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất) cho người dân. Phối hợp tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Rà soát lại hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo thông suốt, hiệu quả.
Kế hoạch chi tiết tại file đính kèm./.
Ý kiến bạn đọc