Ngày 21/6/2017, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, theo đó, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đồng thời có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có ý nghĩa lớn và quan trọng trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; huy động, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quản lý tài sản công chặt chẽ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và các luật có liên quan, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định các nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng tới việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định, nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh những quy định áp dụng chung cho tất cả các loại tài sản công, trong nội dung dự thảo khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản có sự phân biệt các cấp độ khác nhau. Việc quy định như trên nhằm bảo đảm nguyên tắc tất cả các loại tài sản công đều được điều chỉnh bởi pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở để nắm được tổng thể nguồn lực từ tài sản công. Nội dung cơ bản của Luật đã khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhất là tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản đồng thời thể hiện một số điểm mới trong từng chương.
Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ việc quản lý và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên. Theo đó, đối với đất đai, các hình thức khai thác nguồn lực tài chính gồm: Thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, thu thuế, phí, lệ phí liên quan... Đối với tài nguyên sẽ thu tiền cấp quyền khai thác; tiền sử dụng và tiền thuê tài nguyên; thu phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên.
* Tài liệu kèm theo:
- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14.
- Nghị định 166/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài
- Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công
- Nghị định 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nghị định 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp
- Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Nghị định 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
- Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP của ngày 26/12/2017.
- Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị.
Phòng Quản lý Giá và Công sản
Ý kiến bạn đọc