SHCĐ: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 14/08/2020 22:00 466 0

SHCĐ: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình dịch bệnh Covid- 19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động của xã hội nước ta, trong đó thu-chi ngân sách nhà nước phần nào cũng chịu tác động không ít. Do vậy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống và trong sinh hoạt của mọi tổ chức, cá nhân và trong mọi lĩnh vực. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng, tiêu chuẩn không thể thiếu mà mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phải rèn luyện, thực hiện trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

                    I/- Một số điểm về tiết kiệm, thực hành tiết kiệm

                     Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm thể hiện qua các bài viết, bài nói chuyện và ngay chính phong cách của Người, tập trung ở một số điểm chủ yếu sau đây:

                    1). Bản chất của tiết kiệm

                    Thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, càng không phải là "xem đồng tiền to bằng cái trống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Bởi vậy, "nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực".

                    2)  Mục đích tiết kiệm

                    Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính". Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì theo Người, "một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ".

                    3) Nội dung tiết kiệm

                    Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, "1 người làm bằng 2,3 người".

                    Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác. Vì theo Người, "thời giờ tức là tiền bạc", "một tấc bóng là một thước vàng". "Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt , là người ngu dại". Người căn dặn: "Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân".

                    Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Nhưng "khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng".

                    Ngoài tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của thì trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện một số nội dung khác, như tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói…, cụ thể là:

                    Tiết kiệm sức dân, "phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta". Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Người viết: "Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh" nên "phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc".

                    Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải "nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động", "nói thì phải làm", "nói ít, bắt đầu bằng hành động". Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh "tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm".

                    4) Ai cần phải tiết kiệm

                    Tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm, trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp, cán bộ, đảng viên phải làm gương đi tiên phong. Người viết: "Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã". Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong cơ quan, đơn vị, vị trí công tác của mình. Tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hành kiệm cho phù hợp. Người căn dặn: "muốn vít kín các lỗ thủng, các kẽ hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán", tất cả mọi người đều phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

                    5) Cách thức thực hành tiết kiệm

                    Theo Người, "thực hành tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất". Muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí. Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi "đánh trống bỏ dùi" để tránh sự "nhờn thuốc" và làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ.

                    Tích cực tuyên truyền để cho mọi người hiểu rõ lợi ích của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người, khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Do vậy, "người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm".

                    II/- Một số điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí

                    Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí thể hiện ở một số điểm chính sau đây:

                    1) Các hình thức lãng phí cần phải chống:

                    + Lãng phí sức lao động. Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, nên sinh ra lãng phí sức lao động. Người chỉ rõ, trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo.

                    + Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Người chỉ ra thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì giải quyết xong vấn đề, xong cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.

                    + Lãng phí tiền của nhà nước, cơ quan, của cá nhân. Biểu hiện ở nhiều mặt: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm. Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý. Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để. Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng. Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn. Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất. Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn. Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm. Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma....         

                    2) Nguyên nhân của lãng phí:

                     "Do quan liêu, thiếu trách nhiệm", do "lập kế hoạch không chu đáo", do "tính toán không cẩn thận", hoặc "vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào liên hoan, nào "báo chí", nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước…".

                    3) Tác hại của lãng phí:

                     "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô". "Để lãng phí như gió vào nhà trống, tham ô có tội, lãng phí cũng có tội, nhân dân giao tiền của cho mình, để lãng phí là có tội với nhân dân". Bởi vậy, phải tích cực chống lãng phí, chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu. 

                    Theo Hồ Chí Minh, lãng phí cùng với tham ô và bệnh quan liêu là "kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám".

                    4) Tầm quan trọng của chống lãng phí: Theo Người, "chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên".

                    III/- Tấm gương Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

                    1) Tiết kiệm trong đời sống  để sử dụng  phục vụ tổ chức, đoàn thể, cách mạng.

                    Người sống một đời sống vật chất giản dị, đạm bạc và chỉ sử dụng cho mình những vật dụng tối cần thiết. Ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay lao động, làm nhiều nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng, khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù trong chiến tranh hay trong hoà bình, Người vẫn sống giản dị, tiết kiệm như một lẽ tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày.

                    2) Tiết kiệm tiền của, thời gian của nhà nước, của cán bộ, nhân dân.

                    Đã có rất nhiều chuyện cảm động về tấm gương đó, từ những việc nhỏ như sử dụng chiếc phong bì vài lần, đi đôi dép lốp đã cũ, mặc chiếc áo đã sờn vai…, đến chiếc ô tô, ngôi nhà sàn… Để tiết kiệm thời gian của cán bộ nhân dân, Người chủ động đến dự lớp học, thăm cán bộ, nhân dân, chiến sỹ rất đúng giờ. Những câu chuyện cảm động như Bác đội mưa đến dự Hội nghị đúng giờ để nhiều người không phải chờ đợi; Bác chủ động đến chúc Tết cán bộ Hà Nội khi đoàn đang chuẩn bị đến chúc Tết Bác nhưng chưa đi được vì gặp cơn mưa bất chợt… Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người dặn: "Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức phúng biếu linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân". 

                    3) Nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

                    Bác viết nhiều tài liệu để giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người kêu gọi trong mọi hành động, lĩnh vực và mỗi người đều phải tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt phải triệt để tiết kiệm của công vì đó là mồ hôi, công sức của dân, xương máu của bộ đội, chiến sĩ… Người yêu cầu phải tiết kiệm thời gian, giảm họp hành, họp phải đúng giờ. Những câu chuyện kể về lời nhắc nhở của Bác đối với một vị tướng chủ trì hội nghị đến chậm 5 phút, phải nhân 5 phút đến chậm đó với 500 người chờ đợi.

                    Khi phê bình một số nơi, Bác nói: Trung ương thường nhắc các địa phương phải ra sức sản xuất và tiết kiệm. Nhiều nơi đã thực hiện tốt. Nhưng có nơi, giấy gửi đi, hình như chữ bị hao mòn, chữ "tiết kiệm" hoá ra chữ "tiết canh". Bác đưa ra dẫn chứng đọc từ Báo Hải Phòng: vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Mỹ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xẩy ra. Khánh thành trạm bơm cũng giết 2 con lợn. Hợp tác xã tổng kết giết 4 con lợn, ăn cơm tập đoàn cũng giết 1 con lợn...      

                    4) Kêu gọi mọi người thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xây dựng đất nước.

Hồ Chí Minh cho rằng, yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực chống lãng phí để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về phần mình, Người tiết kiệm để giành cho nhân dân, gương mẫu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân làm theo. Mỗi tuần nhịn ăn 1 bữa để giành gạo cho dân đang đói; dùng tiền tiết kiệm được của riêng mình để giành tặng bộ đội. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Bác yêu cầu thư ký rút tiền tiết kiệm của Bác (trị giá khoảng 60 cây vàng) để mua nước ngọt gửi cho bộ đội trực chiến trên các chiến trường miền Bắc.

BÀI HỌC CHUNG

                    Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện "đến đâu tính đó", từ bỏ lối suy nghĩ "được chăng hay chớ", "đến hẹn lại lên"; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt. Trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều. Người dạy: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn". "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói".

                    Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống… Hiện nay, đa số thanh thiếu niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. Tránh quán sá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao. Có nhiều thanh niên mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân. Phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.

                    Thị xã Trảng Bàng đang trong giai đoạn chuyển mình, vươn lên ở một vị trí mới cao hơn trong điều kiện có khó khăn và thách thức. Do vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng có ý nghĩa thiết thực. Đó cũng là một mục tiêu phấn đấu để mỗi người cống hiến, rèn luyện, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó.

                    Kết luận chuyên đề, tập thể Chi bộ đã thống nhất cao cùng thực hiện một số giải pháp cụ thể đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , đó là:

                    Cơ quan phòng Tài chính-KH là đơn vị tham mưu chính cho Lãnh đạo UBND thị xã và ngành cấp trên trong việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của toàn địa bàn từ thị xã đến các đơn vị, các xã, phường, do vậy tập thể Chi bộ cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng thu được nhiều kết quả tích cực hơn nữa. Cần thiết:

                     Thứ nhất, toàn thể cán bộ, đảng viên trong Chi bộ phải luôn thấm nhuần lời Bác Hồ dạy về nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, luôn là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

                     Thứ hai, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thường xuyên phù hợp với  chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị, cán bộ, đảng viên trong Chi bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa thời gian vào việc có ích. Luôn gương mẫu, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tiết kiệm, chi đúng thực tế. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả.

                    Thứ ba, tiếp tục rà soát các Quy chế, quy định của Ngành, của đơn vị có liên quan để kịp thời tham mưu với Lãnh đạo sửa đổi, bổ sung, nhằm đảm bảo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí một cách có hiệu quả nhất.

                    Thứ tư, toàn thể cán bộ, Đảng viên trong Chi bộ cam kết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công việc được giao. Ban chi ủy Chi bộ, tập thể Lãnh đạo phòng Tài chính-KH thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cán bộ, Đảng viên thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

                                                                                                 

Phòng Tài chính – KH thị xã Trảng Bàng


  Ý kiến bạn đọc

Công khai ngân sách
dịch vụ công trục tuyến
Facebook_Tayninh
Zalo Tây Ninh
TRA CỨU HỒ SƠ

74/2024/TT-BTC

Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

58/2024/QĐ-UBND

Quyết định ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị tỉnh Tây Ninh

1913/QĐ-UBND

Quyết định về việc công bố danh mục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực quản lý công sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành tài chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

69/2024/TT-BTC

Thông tư quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia

32/2024/QĐ-UBND

Quyết định ban hành Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ sở dữ liệu tỉnh Tây Ninh

Bộ tài chính
văn phòng chính phủ người dân
văn phòng chính phủ doanh nghiệp
cong khai minh bach
gop y du thao
CÔNG TÁC ĐẢNG
ĐOÀN THANH NIÊN
Công đoàn
CỰU CHIẾN BINH
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
cải cách thủ tục hành chính
đường dây nóng
csdl quốc gia
công báo tây ninh
công báo chính phủ
hộp thư điện tử
hỏi đáp
quản lý đầu tư
thanh tra tài chính
tuyên truyền giáo dục pháp luật
thống kê tài chính
tài liệu đk giá
hướng dẫn đăng ký QHNS trực tuyến
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,619
  • Tháng hiện tại67,816
  • Tổng lượt truy cập5,129,816
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây