Ngành Tài chính góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Thứ sáu - 14/07/2023 10:59 386 0
Sáng ngày 13/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 theo hình thức trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và sự tham dự của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Tại điểm cầu 62 tỉnh có đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan tài chính địa phương.

Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa

Ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN quyết liệt ngay từ đầu năm. Rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 79 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, kiến nghị xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành như: bố trí kinh phí mua vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ.

Hội nghị sơ kết ngành Tài chính sáng 13/7. Ảnh: Hữu Thọ

Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn giảm 28,3 nghìn tỷ đồng, gia hạn 42 nghìn tỷ đồng).

Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân. Tổng chi NSNN ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65,2 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ đạt 27,75%).

Cân đối NSTW và NSĐP các cấp được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối NSNN cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.

Có thể nói, công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi NSNN, kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.

Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ thu chi NSNN, Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN; kịp thời đề xuất, ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 9 Nghị định, xem xét ban hành 15 dự thảo Nghị định và 5 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định, xem xét ban hành 01 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 39 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành Luật giá (sửa đổi). Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng, CPI tăng 3,29% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán có xu hướng hồi phục. Tính đến hết ngày 30/6/2023, VNIndex đạt 1.120,18 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.

Đối với thị trường bảo hiểm: Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt xấp xỉ 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản tăng 12,2%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 14,76%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 25,1%. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 về bảo hiểm vi mô; xem xét, ban hành các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng để xem xét ban hành.

Chấn chỉnh, tăng cường việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 về chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 31,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 343,2 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 11,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 8,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 31,9 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong 6 tháng đầu năm, điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, tăng 7,1% so năm 2022; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ vận chuyển pháo nổ qua biên giới, buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản, vận chuyển trái phép ma túy, ngoại tệ, ngà voi, sừng tê giác,… với các phương thức, thủ đoạn tinh vi phức tạp hơn. Cơ quan hải quan đã khởi tố 18 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ, số tiền thu nộp NSNN 314,8 tỷ đồng.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN ở mức cao nhất

Xác định nhiệm vụ tài chính-ngân sách 6 tháng cuối năng hết sức khó khăn, nặng nề, để hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất, ngành Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó:

Trước tiên, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra;

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định. Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào NSNN các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn vay ngoài nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023.

Kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra nhằm đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của NSNN, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ngành Tài chính đặt ra nhiệm vụ trọng tâm nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Bộ Tài chính (HD)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Công khai ngân sách
dịch vụ công trục tuyến
Facebook_Tayninh
Zalo Tây Ninh
Bộ tài chính
văn phòng chính phủ người dân
văn phòng chính phủ doanh nghiệp
cong khai minh bach
gop y du thao
CÔNG TÁC ĐẢNG
ĐOÀN THANH NIÊN
Công đoàn
CỰU CHIẾN BINH
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
cải cách thủ tục hành chính
đường dây nóng
csdl quốc gia
công báo tây ninh
công báo chính phủ
hộp thư điện tử
hỏi đáp
quản lý đầu tư
thanh tra tài chính
tuyên truyền giáo dục pháp luật
thống kê tài chính
tài liệu đk giá
hướng dẫn đăng ký QHNS trực tuyến
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay3,853
  • Tháng hiện tại39,652
  • Tổng lượt truy cập4,937,057
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây