Thực hiện Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:
1. Cục Thuế tỉnh Tây Ninh:
1.1. Căn cứ Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ Tài chính phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động trên địa bàn tỉnh theo quy định, định kỳ hàng năm báo cáo Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính và UBND tỉnh kết quả thực hiện. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo đúng yêu cầu và lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, phù hợp với chương trình cải cách hành chính và yêu cầu thực tế của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế.
1.2. Điều hành tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nội dung cải cách hiện đại hóa ngành thuế.
1.3. Tham gia đề xuất, góp ý hoàn thiện các chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo thống nhất, công bằng, hiệu quả. Trong đó, tập trung trọng tâm vào một số lĩnh vực như: chống chuyển giá; hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới, đại lý thuế; cải cách thủ tục hành chính về thuế đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo nguồn thu cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
1.4. Triển khai thực hiện tốt các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Thực hiện công khai các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính điện tử liên thông giữa Cục Thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết cho người nộp thuế; duy trì và mở rộng các hình thức giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế từ cấp độ 3 trở lên đối với doanh nghiệp và tổ chức. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế như là một biện pháp hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế và giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế.
1.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại.
1.6. Phối hợp các ngành, các cấp và các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật thuế, tuyên truyền sâu rộng về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tới mọi tổ chức và tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao tính tuân thủ, tự giác chấp hành pháp luật thuế.
2. Các Sở, ngành: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc thực hiện Chiến lược cải cách hành chính thuế theo lĩnh vực liên quan: hiện đại hóa thu ngân sách và ủy nhiệm thu qua Ngân hàng; nộp thuế điện tử; xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán thu ngân sách... trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao, tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tổ chức tốt hoạt động của bộ phận “Một cửa liên thông” trong việc cấp đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký mẫu dấu,... đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, người dân thực hiện thủ tục hành chính.
4. Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế trong việc quản lý các Văn phòng đại diện nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Chi nhánh các công ty (đối với các Văn phòng đại diện, Chi nhánh mà việc thành lập chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành); Thương nhân nước ngoài đã được Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ; Giấy xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ triển lãm thương mại, Xác nhận đăng ký khuyến mại,... đã được Sở Công Thương cấp phép hoạt động để cơ quan thuế làm cơ sở quản lý và thu thuế theo đúng quy định.
5. Cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận thương mại; gắn việc chống buôn lậu và gian lận thương mại với việc chống trốn thuế, lậu thuế.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong việc: Cung cấp thông tin, giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách đất đai... để đảm bảo huy động đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách liên quan đến đất đai vào ngân sách nhà nước; chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai tổ chức tốt hoạt động của bộ phận “Một cửa liên thông” của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến bất động sản.
7. Công an tỉnh tăng cường phối hợp, chia sẻ với cơ quan thuế trong việc khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để kịp thời phát hiện, điều tra xử lý các trường hợp thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn, các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, kê khai thuế nhằm mục đích trốn thuế,... kiểm soát người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ góp phần chống thất thu thuế, thu hồi các khoản tiền thuế bị thất thoát cho ngân sách nhà nước; đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án trốn thuế, gian lận về thuế đã được phát hiện để đưa ra xét xử trước pháp luật nhằm giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.
8. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với cơ quan thuế khi có yêu cầu cung cấp các thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện trích, chuyển tiền từ tài khoản của đối tượng nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế lệnh thu của cơ quan thuế.
9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về công tác thuế, trong đó trọng tâm là các chương trình cải cách hiện đại hóa do Cục Thuế triển khai thực hiện, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; đồng thời phê phán mạnh mẽ các hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật thuế.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc tổ chức quản lý thuế trên địa bàn. Tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật thuế tại địa phương để người dân hiểu và chấp hành tốt pháp luật thuế.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Cục Thuế để được hướng dẫn./.
Các tập tin đính kèm:
VP
Ý kiến bạn đọc