A. Tình hình giá cả thị trường và công tác quản lý giá 12 tháng năm 2022
I. Tình hình chung:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 12 tháng năm 2022 tăng 3,09% so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: 9 nhóm tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,08%, đồ uống và thuốc lá tăng 3,29%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,18%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,38%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; giao thông tăng 9,34%; Giáo dục tăng 0,38%, Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,33%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,65%; 2 nhóm không đổi: Thuốc và vật liệu y tế và Bưu Chính viễn thông.
(Theo số liệu Cục Thống kê)
II. Diễn biến cụ thể một số mặt hàng chính:
1. Lương thực:
Giá bán một số loại lương thực (lúa, gạo) trong 12 tháng năm 2022 tăng 10% đến 13% so với cùng kỳ năm trước.
2. Thực phẩm:
Giá thực phẩm (thịt heo, gà ta, cá lóc) trong 12 tháng năm 2022 có xu hướng giảm dưới 20% so với cùng kỳ năm trước. Các loại thực phẩm còn lại (thịt bò, Giò lụa, tôm,..) tăng từ 1% đến 17%
Giá các loại rau, củ, quả (cải xanh, bí xanh, cà chua) trong 12 tháng năm 2022 có xu hướng giảm trong khoảng từ 24% đến 38% so với cùng kỳ năm trước.
3. Nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng:
Giá nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng (Dầu ăn, muối, đường, 7 up,.. ) trong 12 tháng năm 2022 tăng từ 16% đến 38% so với cùng kỳ năm trước.
4. Nhóm Vật tư nông nghiệp, chất đốt và vật liệu xây dựng
a) Nhóm vật tư nông nghiệp:
Trong 12 tháng năm 2022, phân ure và phân NPK tăng giá từ 44% đến 61% so với cùng kỳ năm trước. Một số loại vác xin (vacxin dịch tả lợn, vacxin cúm gia cầm, vacxin dịch tả vịt) và thuốc trừ bệnh Manozeb 80WP trong 12 tháng năm 2022 có giá giảm so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm vật tư nông nghiệp còn lại có giá không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
b) Chất đốt:
Trong năm 2022, giá gas đun tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể tăng 37.833 đồng/ bình.
c) Vật liệu xây dựng:
Trong năm 2022, giá thép xây dựng tăng 7%, giá xi măng tăng 21%, giá cát tăng 1% và gạch xây tăng 9%, ống nhựa tăng 25% so với cùng kỳ năm trước;
5. Giá vàng và Đô la Mỹ:
Giá vàng 99,9% (vàng trang sức) và tỷ giá hạch toán đồng Việt Nam với đô la Mỹ trong 12 tháng năm 2022 biến động liên tục. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá vàng tăng 10%, Đồng đô la Mỹ tăng 381,07 đồng/USD so với cùng kỳ năm trước.
(Phụ lục kèm theo)
III. Tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý giá 12 tháng năm 2022:
- Phối hợp sở, ngành: Sở Xây dựng thông báo giá vật liệu xây dựng từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022.
- Đã thực hiện báo cáo về tình hình giá cả thị trường từ tháng 01 đến tháng 11 năm 2022, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gửi về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
- Đã thực hiện báo cáo tình hình giá thị trường trong và sau tết theo Chỉ thị 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 của Bộ Tài chính.
- Tiếp nhận hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành: Sở Tài chính, Công an tỉnh Tây Ninh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi thú y, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành Phố khảo sát, kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và một số chợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa để đảm bảo bình ổn thi trường nhất là tập trung kiểm soát giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân.
- Theo sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất, vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải… để kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp, tránh trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh covid, Tết Nguyên Đán để gây mất ổn định thị trường.
- Hiện nay mặt hàng xăng dầu là loại mặt hàng đang được chú ý và quan tâm nhiều nhất từ Chính phủ, Bộ ngành, địa phương. Giá là do Liên bộ Tài Chính Công Thương ban hành định giá theo kỳ. Sở Công Thương chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc của UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị trực tuyến ngày 09/02/2022 và Công văn số 586/VP-KT ngày 17/02/2022 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức làm việc trực tiếp với các thương nhân, thực hiện công tác giám sát, kiểm tra mặt hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và báo cáo kết quả gửi UBND tỉnh.
- Thực hiện Công văn số 867/UBND-KT ngày 14 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác điều hành giá năm 2022. Sở Công Thương đề nghị Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Hệ thống siêu thị CopMart, Bách hóa Xanh và Công ty TNHH XNK-TM-CN-DV Hùng Duy thực hiện: Tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng cho người dân đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết, các khu vực bị cách ly phong tỏa. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục vận động Hội người trồng mía và Nhà máy đường (TTC-BH) Tây Ninh nên có tiếng nói chung về giá thu mua mía nhằm hài hòa lợi ích giữa đôi bên và phù hợp với giá đường hiện nay. Trường hợp giữa hai bên không thống nhất, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức Hội nghị Hiệp thương giá thu mua mía nguyên liệu vụ 2021-2022 giữa Hội người trồng mía và Nhà máy đường (TTC-BH) Tây Ninh. Tuy nhiên, ngày 18/3/2022, Sở Tài chính đã có Công văn số 748/STC-QLG&CS báo cáo Ủy ban nhân dân về việc tổ chức Hội nghị hiệp thương giá thu mua mía nguyên liệu vụ 2021-2022, theo đó sẽ có thông báo với Hội người trồng mía không tổ chức Hội Nghị Hiệp thương giá do không đủ cơ sở pháp lý để tổ chức Hiệp Thương giá.
- Do giá phân bón tăng cao, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong tháng 3 và tháng 4 năm 2022, Sở Tài chính đã phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về giá phân bón.
- Triển khai thực hiện Chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại Công văn số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022; Công văn số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022; Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022; Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/03/2022; Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022; Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 18/7/2022; Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 07/9/2022, Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022 của Văn phòng chính phủ về công tác điều hành giá năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp, tăng cường triển khai công tác điều hành giá năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Sở Tài chính đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định Ban hành Danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng thực hiện đăng ký giá, kê khai giá.
Sở Tài chính có Công văn số 3991/STC-QLG&CS ngày 23/12/2022 gửi các sở, ban ngành triển khai thực hiện một số nội dung của Chỉ thị 03/CT-BTC ngày 12/12/2022 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét dự thảo Quyết định ban hành đơn giá nước sạch sinh hoạt khu vực đô thị và đơn giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn, triển khai thực hiện trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Nhìn chung, tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý giá cả một số mặt hàng.
B. Phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng đầu năm 2023:
Thực hiện báo cáo về tình hình giá cả thị trường (tháng, 03 tháng) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gửi về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
Tiếp nhận hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Phối hợp sở, ngành: Sở Xây dựng thông báo giá vật liệu xây dựng từ tháng tháng 12 năm 2022, tháng 01 và tháng 02 năm 2023.
Theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung cầu và giá cả thị trường trên địa bàn, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt lợn, rau củ quả… dịch vụ vận chuyển hành khách, tham quan, lễ hội.. và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá thuộc lĩnh vực phụ trách.
Đối với doanh nghiệp: hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Tập trung kiểm soát tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức.
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, nắm bắt tình hình giá cả thị trường, kịp thời triển khai các biện pháp bình ổn giá thị trường, đảm bảo đủ nguồn hàng cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và biến động lớn về giá cả.
C. Dự báo tình hình giá thị trường trên địa bàn tỉnh 03 tháng đầu năm 2023:
Tình hình chính trị trên thế giới bất ổn định, giá xăng, dầu, khí đốt đang thay đổi liên tục trong năm 2022, kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng (phân bón, than đá, sản phẩm hóa chất,..) sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tâm lý tích trữ của người dân trong dịp tết Quý Mão, đồng thời nguồn cung lương thực tăng ở một quốc gia trên thế giới, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng. Do đó, dự báo giá cả thị trường hàng hóa, lương thực vẫn sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.
P. QLG&CS
Ý kiến bạn đọc